Bệnh lupus ban đỏ có thể khó phát hiện vì nó là một bệnh phức tạp có nhiều triệu chứng, và chúng có thể có tiến triển chậm. Là chuyên gia trong chẩn đoán và điều trị bệnh tự miễn dịch chẳng hạn như lupus, các bác sĩ điều trị thấp khớp có thể xác định chính xác nhất liệu một bệnh nhân có mắc lupus hay không và tư vấn cho họ về các phương án điều trị.
Người mắc bệnh lupus thường có các triệu chứng không đặc trưng của lupus. Các triệu chứng này gồm có sốt, mệt mỏi, sụt cân, đông máu và rụng tóc ở những điểm hoặc xung quanh đường chân tóc. Họ cũng có thể bị ợ chua, đau dạ dày, và tuần hoàn máu kém đến các ngón tay và ngón chân. Phụ nữ mang thai có thể bị sẩy thai.
Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (American College of Rheumatology) có một danh sách các triệu chứng và các số đo khác mà các bác sĩ có thể sử dụng làm hướng dẫn để xác định xem một bệnh nhân có các triệu chứng đó có mắc lupus hay không. Nếu bác sĩ của quý vị thấy rằng quý vị có ít nhất bốn triệu chứng này, và không phát hiện nguyên nhân nào khác, quý vị có thể mắc lupus:
Phát ban:
o phát ban hình con bướm ở má — gọi là phát ban ở má
o ban đỏ có sần hoặc vảy ôvan — được gọi là ban hình đĩa
o phát ban trên da khi tiếp xúc với ánh nắng
- Loét miệng: loét ở miệng hoặc mũi kéo dài từ vài ngày đến hơn một tháng
- Viêm khớp: dễ bị tổn thương và sưng kéo dài vài tuần ở hai khớp trở lên
- Viêm phổi hoặc tim: sưng lớp mô lót trong phổi (gọi là viêm màng phổi) hoặc tim (viêm màng ngoài tim) có thể dẫn đến đau ngực khi hít sâu
- Vấn đề ở thận: máu hoặc protein trong nước tiểu, hoặc xét nghiệm cho thấy chức năng thận kém
- Vấn đề thần kinh: co giật, đột quỵ hoặc rối loạn tâm thần (một vấn đề về sức khỏe tâm thần)
Xét nghiệm máu bất thường chẳng hạn như:
o Giảm tế bào máu: thiếu máu, giảm bạch cầu hoặc giảm tiểu cầu
o Kết quả kháng thể kháng nhân (ANA) dương tính: các kháng thể có thể làm cho cơ thể bắt đầu tự tấn công, tình trạng này hiện diện ở gần như mọi bệnh nhân lupus
o các kháng thể nhất định cho thấy có vấn đề về hệ miễn dịch:
kháng ADN sợi kép (được gọi là anti-dsDNA), kháng thể anti-Smith (được gọi là anti-Sm) hoặc kháng phospholipid, hoặc xét nghiệm máu dương tính giả với giang mai (có nghĩa là quý vị thực ra không mắc bệnh này)
Nếu bác sĩ nghi ngờ quý vị mắc lupus dựa vào các triệu chứng của quý vị, quý vị sẽ cần phải tiến hành một loạt các xét nghiệm máu để xác nhận quý vị mắc bệnh này. Xét nghiệm sàng lọc máu quan trọng nhất sẽ đo ANA, nhưng quý vị có thể có ANA mà không mắc lupus. Do đó, nếu quý vị có ANA dương tính, quý vị có thể cần phải tiến hành các xét nghiệm cụ thể hơn để chứng minh chẩn đoán. Các xét nghiệm máu này bao gồm các kháng thể đối với anti-dsDNA và anti-Sm.
Sự hiện diện của kháng thể kháng phospholipid có thể giúp các bác sĩ phát hiện bệnh lupus. Những kháng thể này cho biết có nguy cao mắc các biến chứng nhất định chẳng hạn như sẩy thai, khó ghi nhớ, hoặc đông máu, có thể dẫn đến đột quỵ hoặc tổn thương phổi. Các bác sĩ cũng có thể đo các mức protein bổ sung nhất định (một phần của hệ miễn dịch) trong máu, để giúp phát hiện bệnh và theo dõi tiến triển bệnh.
No comments: