» » Bệnh gút có biểu hiện như thế nào

Những biểu hiện của bệnh gút thường rất dễ nhận biết , khi có các biểu hiện triệu chứng sau: 

hình ảnh bệnh gout

Triệu chứng của gút cấp tính

* Cơn viêm cấp của bệnh thường xuất hiện sau một số hoàn cảnh thuận lợi như:

- Sau một bữa ăn nhiều rượu thịt.

- Sau chấn thương hoặc phẫu thuật.

- Sau lao động nặng, đi lại nhiều, đi giầy quá chật.

- Sau những sang chấn về tinh thần: quá xúc động, cảm động, quá căng thẳng, lo lắng…

- Nhiễm khuẩn cấp.

- Sau khi dùng một số thuốc như lợi tiểu nhóm chlorothiazid, tinh chất gan, vitamin B12, steroid,..

Khoảng 50% bệnh nhân có dấu hiệu báo trước như đau mỏi khớp, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, mệt mỏi, đi tiểu nhiều và nóng buốt, sốt nhẹ,…

- Khoảng 60-70% cơn gout cấp biểu hiện ở khớp bàn ngón chân cái.

- Đang đêm bệnh nhân thức dậy vì đau ở khớp bàn chân cái (một bên), đau dữ dội ngày càng tăng, đau không thể chịu nổi, chỉ một va chạm nhẹ cũng gây đau tăng.

- Ngón chân sưng to, phù nề, căng bóng, nóng đỏ, xung huyết, trong khi các khớp khác bình thường.

- Toàn thân: sốt nhẹ, mệt mỏi, lo lắng, mắt nổi tia đỏ, khát nước nhiều, táo bón, tiểu tiện ít và đỏ.

- Đợt viêm kéo dài từ vài ngày đến hai tuần (trung bình là 5 ngày), đêm đau nhiều hơn ngày, viêm nhẹ dần, đau giảm, phù bớt, da tím dần, hơi ướt; ngứa nhẹ rồi bong vẩy và khỏi hẳn, không để lại dấu vết gì ở chân. Bệnh có thể tái phát vài lần trong một năm, thường hay gặp vào mùa xuân hoặc mùa thu.
Xác đinh trên cận lâm sàng dựa vào Xét nghiệm và X quang:

- Chụp X quang không có gì thay đổi so với bình thường.

- Xét nghiệm: acid uric máu tăng trên 7mg% (trên 416,5 micromol/l), bạch cầu tăng, tốc độ máu lắng tăng, chọc dịch ở nơi viêm có thể thấy tinh thể urat nằm trong bạch cầu, nhưng cũng có khi acid uric trong máu không tăng.

* Thể lâm sàng:

- Thể lâm sàng theo vị trí:

+ Ngoài vị trí khớp bàn ngón chân cái chiếm 60-70%, các vị trí khác ở bàn chân đứng hàng thứ hai như cổ chân, các ngón chân, sau đó là khớp gối, rất ít khi thấy ở chi trên.

+ Thể đa khớp (từ 5-10%): bệnh nhân sốt, sưng đau lần lượt từ khớp này sang khớp khác, rất dễ nhầm với thấp khớp cấp, viêm đa khớp dạng thấp.

- Thể theo triệu chứng và tiến triển:

+ Thể tối cấp: sưng tấy dữ dội, đau nhiều, sốt cao dễ nhầm với viêm khớp do vi khuẩn.

+ Thể nhẹ kín đáo: chỉ mệt mỏi, không sốt, đau ít, thường bị bỏ qua.

+ Thể kéo dài: thời gian kéo dài, diễn biến từ khớp này sang khớp khác.
Triệu chứng của gout mạn tính

Gout mạn tính biểu hiện bằng dấu hiệu nổi các cục u (tôphi) và viêm đa khớp mạn tính, do đó còn được gọi là “gout lắng đọng”. Gout mạn tính có thể tiếp theo gout cấp tính nhưng phần lớn là bắt đầu từ từ tăng dần không qua các đợt cấp.
* Triệu chứng lâm sàng ở khớp:

Nổi u cục (tophi): là hiện tượng lắng đọng urat ở xung quanh khớp, ở màng hoạt dịch, đầu xương, sụn….

+ Vị trí: u cục (tôphi) thấy ở trên các khớp bàn ngón chân cái, các ngón khác, cổ chân, gối, khuỷu, cổ tay, bàn ngón tay và đốt ngón gần, có một vị trí rất đặc biệt là trên sụn vành tai. Chưa thấy ở háng, vai và cột sống.

+ Tính chất: kích thước to nhỏ không đồng đều, từ vài milimet đến nhiều centimet đường kính, lồi lõm, hơi chắc hoặc mềm, không di động do dính vào nền ở dưới, không đối xứng 2 bên và không cân đối, ấn vào không đau, được bọc bởi một lớp da mỏng, phía dưới thấy cặn trắng như phấn, đôi khi da bị loét và dễ chảy nước vàng và chất trắng như phấn.

- Viêm đa khớp: Các khớp nhỏ và nhỡ bị viêm là bàn ngón chân và tay, đốt ngón gần, cổ tay, gối, khuỷu, viêm có tính chất đối xứng, biểu hiện viêm thường nhẹ, không đau nhiều, diễn biến khá chậm. Các khớp háng, vai và cột sống không bị tổn thương.
Biểu hiện ngoài khớp:

+ Urat có thể lắng đọng ở thận dưới hai hình thức:

Lắng đọng rải rác ở nhu mô thận: hoặc không thể hiện triệu chứng gì, chỉ phát hiện qua giải phẫu bệnh, hoặc gây viêm thận, bể thận.

Gây sỏi đường tiết niệu: sỏi acid uric ít cản quang, chụp thường khó thấy, phát hiện bằng siêu âm, chụp UIV. Sỏi thận dễ dẫn tới viêm nhiễm, suy thận. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tiên lượng của bệnh.

+ Urat có thể lắng đọng ở một số cơ quan ngoài khớp như:

Lắng đọng ở gân, túi thanh dịch, có thể gây đứt hoặc chèn ép thần kinh (hội chứng đường hầm).

Lắng đọng ở ngoài da, móng tay, móng chân thành từng vùng và mảng, thường dễ nhầm với những bệnh ngoài da khác như vẩy nến, nấm… Lắng đọng ở tim: urat có thể lắng đọng ở màng ngoài tim, cơ tim, có khi cả van tim nhưng rất hiếm.

Ths. BS. Phạm Thị Dung

Trường Đại Học Y Thái Bình

About Tìm Thuốc Nhanh

«
Next
Newer Post
»
Previous
Older Post

No comments:

Leave a Reply